Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Trận Giồng Bốm, tỉnh Bạc Liêu

Trận Giồng Bốm năm 1946 diễn ra tại khu vực Tòa thánh Ngọc Minh, thuộc ấp 7, xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Trong thời gian từ năm 1928 – 1940, phái Cao Đài Minh chơn đạo đã xây dựng trên 50 thánh thất ở nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ, nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc và một số thánh thất ở Cao Lãnh, Sài Gòn. Phát triển trên 100.000 tín đồ, đa số là nông dân lao động bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề, mang trong lòng tinh thần yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, thực dân Pháp khủng bố trắng đồng bào các vùng khởi nghĩa, sát hại nhiều người yêu nước, nghi ngờ Minh chơn đạo có liên quan đến “Cộng sản” nên bọn chúng đốt hai thánh thất của Minh chơn đạo ở Hòa Tú (Sóc Trăng) và ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) vì hai thánh thất này tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. Chúng bắt nhiều chức sắc, chức việc, đồng tử, Thanh niên đoàn đạo đức ở các thánh thất Minh chơn đạo giam cầm nhiều nơi trên đất liền và đày ra Côn Đảo. Đến năm 1941, Tòa thánh Ngọc Minh ở Giồng Bốm cũng như tất cả các thánh thất Minh chơn đạo bị thực dân Pháp niêm phong, đóng cửa, nghiêm cấm việc tập hợp cúng kiến, tu hành…

Hưởng ứng lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945), ông Cao Triều Phát, Quyền Chưởng quản Hiệp thiên đài - Hội thánh Minh chơn đạo, Tổng Trưởng Thanh niên Đoàn đạo đức Hậu Giang  chủ trì tổ chức cuộc “Khoáng đại hội nghị” tại Tòa thánh Ngọc Minh ở Giồng Bốm. Qua 2 ngày thảo luận, hội nghị đi đến thống nhất Tòa thánh Ngọc Minh làm bản doanh tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tờ mờ sáng ngày 06/4/1946 (ngày 05/3 năm Bính Tuất), thực dân Pháp cho một tiểu đội kéo vào Giồng Bốm để thám thính tình hình và lọt vào ổ phục kích của lực lượng Giồng Bốm, tiêu diệt 03 tên địch.

Ngày 12/4/1946 (tức 11/3 âm lịch), 3 máy bay của thực dân Pháp bắn phá vào Giồng Bốm, nơi đặt sở chỉ huy, gây cho lực lượng Giồng Bốm nhiều tổn thất: 11 người tử trận, 21 người bị thương, nhiều công trình kiến trúc bị tàn phá

Ngày 13/4/1946 (12/3 Bính Tuất), đúng theo nhận định của ông Cao Triều Phát, thực dân Pháp tổ chức khoảng 100 lính bộ binh càn vào Giồng Bốm. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng giữa ta và địch không cân xứng, một bên là lực lượng Giồng Bốm với vũ khí thô sơ, còn bên địch được trang bị súng đạn hiện đại. Sau nhiều giờ chiến đấu ác liệt, lực lượng Giồng Bốm tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch. Phía lực lượng Giồng Bốm cũng bị thiệt hại nặng: 137 chiến sĩ tử trận, Tòa thánh Ngọc Minh, Ngũ hành tòa, cùng nhiều tài sản khác bị phá hủy. Trước tình hình đó, ông Cao Triều Phát ra lệnh rút quân để bảo tồn lực lượng còn lại.

Trận Giồng Bốm năm 1946 là trận chiến ác liệt, với vũ khí thô sơ và lòng quả cảm của các chức sắc, chức việc, đạo tâm của Cao Đài Minh chơn đạo, theo lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xông lên chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch, là một trong những trận đánh lớn ở Miền Tây Nam bộ vào thời điểm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Trận đánh đã gây xúc động mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các chi phái Cao Đài và các tôn giáo bạn mang tâm hồn dân tộc; làm nung nấu tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc.

Trận Giồng Bốm năm 1946 thất thủ là một tổn thất lớn lao về người và tài sản của toàn phái Minh chơn đạo, những công trình đồ sộ như Tòa thánh Ngọc Minh và Ngũ hành tòa đã bị phá hủy và 137 chức sắc, chức việc, đạo tâm, Thanh niên Đoàn đạo đức của Cao Đài Minh chơn đạo đã anh dũng hy sinh vào những ngày đầu Nam bộ kháng chiến.

 Hàng năm cứ vào ngày 14/3 âm lịch, Hội thánh Minh chơn đạo và Ban Trị sự thánh thất Ngọc Minh cùng những gia đình có người thân tử trận trong Trận Giồng Bốm năm 1946 tiến hành tổ chức lễ cúng giỗ. Đây là lễ giỗ kỷ niệm lớn nhất trong năm nhằm tưởng nhớ ngày các chiến sĩ tử Trận Giồng Bốm, có trên 1.000 người về dự.

Với những giá trị nêu trên, Địa điểm Trận Giồng Bốm (1946), tỉnh Bạc Liêu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3088/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

Liên kết website