Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Tranh “Em Thúy”

* Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

* Số đăng ký: 226 D96

* Chất liệu: Sơn dầu trên vải toan

* Kích thước: Cao: 60cm; Rộng: 45cm

* Số lượng: 01

* Miêu tả: Bức tranh vẽ chân dung bán thân của một nhân vật thực bé Thúy ngồi trên một chiếc ghế mây Tác giả đặc tả em bé gái với tinh thần lãng mạn, tinh tế, trong trẻo với hòa sắc sáng ấm với những đường cong nhẹ nhàng.

Nét đặc sắc của bức tranh: Tác giả đã sử dụng lối bố cục điển hình kiểu Châu Âu thời đầu thế kỷ XX, để thể hiện tâm trạng của một em bé Việt. Bức tranh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ nghệ thuật phương Tây đương thời.

* Hiện trạng: Tốt

Niên đại: 1943.

Nguồn gốc: Tác giả, họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 -1994)

Ghi chú: Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1906-1954), sinh tại Kiến An, Hải Phòng, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1936. Ông được xem là một trong bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật cận đại Việt Nam. Ông đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật trên lĩnh vực mỹ thuật năm 1996. Tranh đã được tu sửa năm 2005 bởi chuyên gia Auxtralia.

* Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:

- Giá trị lịch sử: tác phẩm mang giá trị đánh dấu một giai đoạn lịch sử của mỹ thuật Việt Nam cận đại nửa đầu thế kỷ XX

- Giá trị thẩm mỹ: tác phẩm mang phong cách riêng biệt họa sĩ Trần Văn Cẩn, bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam cận đại. Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả chân, cũng như tiêu biểu cho thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.

- Giá trị văn hóa: Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Thông qua chân dung em Thúy, tác phẩm góp phần phản ánh hình ảnh xã hội Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám. Bức tranh là một điển hình góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông - Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website