Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Từ đường Tứ Tổ Quần Anh, tỉnh Nam Định.

Từ đ­ường Tứ Tổ khai sáng Quần Anh, gồm: Từ đường Thủy tổ Trần Vu, Từ đường Thủy tổ Vũ Chi, Từ đường Thủy tổ Hoàng Gia, Từ đường Thủy tổ Phạm Cập, là nơi thờ tự, tri ân công đức của các thế hệ con cháu dòng họ và nhân dân địa phư­ơng đối với các vị Thuỷ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập - những người có công đầu tổ chức công cuộc khai hoang lấn biển tạo lập vùng đất Quần Anh xư­a vào thời Lê Sơ (1428 - 1527), Hải Hậu ngày nay. Không chỉ con cháu trong dòng họ và nhân dân suy tôn các vị là bậc Thuỷ tổ khai sáng, Phúc thần, mà các triều đại phong kiến còn ban tặng nhiều sắc phong thần, với duệ hiệu là: Dực bảo trung hưng, Linh phù tôn thần.

Các nguồn tài liệu: Sách, văn bia, gia phả, sắc phong đều khẳng định Tứ tổ từ đất Tương Đông xuống khai phá vùng đất Quần Anh. Trước khi xuống Quần Anh, bốn vị Tổ đã khai phá vùng đất Tương Đông. Sách Nam Quần Anh dẫn Gia phả họ Vũ do Nhất trường Vũ Văn Tần ở xã Tương Nam (tìm được từ khoảng năm Lê Vĩnh Trị (1676 - 1679) chép (dịch): “Tướng công họ Vũ tên húy là Uy, đỗ Tiến sỹ thời nhà Trần, làm An phủ sứ Châu Ái, chính sự nhân đức. Khi thôi làm quan, cùng với đồng liêu là các cụ Trần Vu, Hoàng gia, Phạm Cập cùng đến trấn Sơn Nam, huyện Giao Thủy trưng khẩn ruộng đất riêng hơn 1.000 mẫu, lập xã Tương Đông, chia làm 3 thôn.... giao cho các ông Trần Lang Tướng, Đoàn Đô Quan, Nguyễn Chiêu Thảo coi giữ đất đai. Lại xuống phía Nam trấn Sơn Nam, trưng khẩn một bãi phù sa, lập thành xã Quần Anh”.

Tứ Tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập tiến hành công cuộc khai hoang lấn biển, lập nên vùng đất Quần Anh vào thời Lê Sơ (1428 - 1527) trong bối cảnh chế độ xã hội Phong kiến có nhiều khó khăn và thuận lợi. Ban đầu, Tứ Tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng gia, Phạm Cập đã lấy vùng Xối Nước của dân Cát Chử (nay là thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh) làm nơi trú chân để hàng ngày vượt sông Cường (Ninh Cơ) xuống phía Nam khai khẩn. Bốn vị Tổ đứng đầu các dòng họ phân công quán xuyến từng việc đảm bảo cho công cuộc khai khẩn đất đai tiến hành thuận lợi. Thủy tổ Trần Vu được giao chức Dinh điền Phó sứ chỉ đạo lực lượng khẩn hoang. Thủy tổ Vũ Chi lo việc đắp đê, khơi mương, dẫn thủy nhập điền. Thủy tổ Phạm Cập chuyên giấy tờ, sổ sách đo đạc ruộng đất. Thủy tổ Hoàng Gia lo việc dậy học, giáo huấn... Theo Quần Anh phân xã mộc kiệt (Cột gỗ ghi việc chia xã Quần Anh) thì số ruộng ban đầu Tứ tổ khai phá được 19 mẫu 9 sào 3 thước 5 tấc, ở vị trí phía Đông và phía Bắc giáp xã Cát Chử, phía Tây và phía Nam giáp xã Hương Cát (Cát Thành, Trực Ninh), sau đó tiếp tục mở rộng thêm. Sau khi đã định cư trên vùng đất mới, tứ Tổ đẩy mạnh việc đắp đê, khai thông sông ngòi. Tại Cồn Ấp, tứ Tổ đã chỉ huy nhân dân đắp đê Nam và đê Hồng Đức (nay là con đường từ cầu Yên Định đến bến đò Ninh Cường). Tứ tổ lại cho đắp nối đê Đông từ đầu đê Mộc xuống đến đê Hồng Đức (nay thuộc khu vực Yên Định). Bên phía Tây cũng cho đắp nối từ đầu đê Mộc xuống đến đê Hồng Đức (nay thuộc khu vực Ninh Cường). Những con đê này bao bọc khu ruộng đất rộng lớn, phả họ Vũ chép “ước vài vạn mẫu”. Cùng với việc đắp đê ngăn nước mặn, Tứ tổ và lực lượng khẩn hoan tiến hành cải tạo ngòi lạch, đào sông Xẻ dẫn nước ngọt từ các sông Cường, sông Múc, sông Trệ phục vụ cho việc canh tác và thau chua rửa mặn. Sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược (1418 - 1427), nền kinh tế Đại Việt lâm vào tình trạng khủng hoảng do hậu quả của chiến tranh. Nhằm phục hồi nhanh chóng nền kinh tế đất nước, triều đình nhà Lê đã ban hành nhiều đạo luật khuyến khích phát triển sản xuất. Nhà nước cho phép dân phiêu tán được đi khai hoang những vùng đất mới ven sông, ven biển, ruộng đất bỏ hoang để lập đồn điền. Bên cạnh đó, triều đình còn tổ chức lực lượng đắp các tuyến đê biển, đê đầu nguồn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến sinh sống và lập nghiệp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, ngôi từ đường và con cháu các dòng họ đã có nhiều đóng góp vào thành tích của địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), các ngôi từ đường đều là cơ sở cách mạng tin cậy của địa phương: Nơi mở các lớp Bình dân học vụ, nơi hội họp của chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng, dân quân du kích địa phương; địa điểm hoạt động của các cán bộ cách mạng, nơi cất giấu tài liệu bí mật phục vụ kháng chiến.

Công trình kiến trúc từ đ­ường tồn tại đến ngày nay mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được đường nét cùng phong cách nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tại di tích còn lưu giữ đ­ược nhiều di vật, cổ vật có giá trị như bia đá,­ sắc phong, gia phả, câu đối, đại tự… có nội dung ghi lại công lao, sự nghiệp của các vị Thuỷ tổ trong quá trình khai hoang mở đất . Đó là tư liệu quý phục vụ cho việc nghiên cứu về lịch sử, mảnh đất con người nơi đây.

Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hàng năm tại di tích còn diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá dân gian góp phần đáp ứng nhu cầu tín ng­ưỡng của con cháu dòng họ và nhân dân địa phư­ơng, đồng thời thể hiện truyền thống “Uống n­ước nhớ nguồn”, tôn vinh vị thần có công với quê hư­ơng, đất nước.

Với những giá trị nêu trên, Từ đường Tứ Tổ Quần Anh (Gồm: Từ đường Thủy tổ Trần Vu, Từ đường Thủy tổ Vũ Chi, Từ đường Thủy tổ Hoàng Gia, từ đường Thủy tổ Phạm Cập), xã Hải Anh và Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1903/QĐ-BVHTTDL ngày 18/6/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website