Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm
Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm hiện đang lưu giữ tại Đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Đá
- Niên đại:Thế kỷ XII
Tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm hiện được đặt tại tòa Tam bảo của chùa. Tượng sư tử bên phải: cao 104cm, rộng 130cm; Tượng sư tử bên trái: cao 104cm, rộng 136cm. Đây là hai bệ đặt tượng Phật tạo hình hai con sư tử, được nghệ nhân chú tâm diễn tả bộ mặt với thần thái uy nghi và sống động, mà không quan tâm tới hình thể, tạo nên một sự khác biệt, với sự pha trộn giữa tượng tròn và phù điêu, mà phù điêu vốn là một thế mạnh trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý, ta đã được chiêm ngắm qua các lan can thành bậc và viền bia của thời đại này còn lại đến hôm nay. Cả hai tượng sư tử được tạo tác trong tư thế nằm thủ phục, đường nét mềm mại, các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục, chạm vừa uyển chuyển, vừa khỏe khoắn: Trán sư tử ngắn, tựa như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong song hành, đều đặn. Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn (cánh hoa cúc) để cùng với khối mắt to, lồi, tạo nên một ấn tượng mạnh trước những đệ tử chiêm bái.
Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm là hiện vật gốc gắn liền với di tích này ngay từ khi khởi dụng, là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá thời Lý, không dập khuôn theo một hình mẫu nhất định. Sự độc đáo của sư tử đá chùa này là việc thể hiện hình tượng sư tử - một linh vật Phật giáo làm bệ đỡ cho tượng Phật. Tượng sư tử được thể hiện bằng các đường nét mạnh mẽ, nhưng tinh tế mang nhiều ý nghĩa triết lý đạo Phật thời bấy giờ. Sự độc đáo của đôi sư tử đền-chùa Bà Tấm, bên cạnh chất tượng tròn, mà còn mang tính phù điêu điển hình. Đồng thời, tượng sư tử ở đền - chùa Bà Tấm cùng với các di sản khác là sản phẩm của thời đại phục hưng của nền văn hóa dân tộc sau nghìn năm Bắc thuộc để tạo nên một phong cách riêng, mở đầu cho một nền nghệ thuật dân tộc của lịch sử Đại Việt./.
Thuý Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)