Ngày 24 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc

* Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

* Số đăng ký: 2075.ĐK/a2 - 363

* Chất liệu: Gỗ phủ sơn

* Kích thước: Tượng cao 111cm, khuôn mặt 19cm, ngang vai 43cm, ngang 2 đầu gối 67cm, dày thân tượng 45 cm

* Số lượng: 01 hiện vật.

* Miêu tả: Pho tượng được tạc nguyên khối mô tả hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọc Trúc trong tư thế chân xếp bằng kiểu Kiết Già toàn phần; một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy. Thế tay này tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh, đồng thời thể hiện tâm Phật của nhân vật được tạc. Các chi tiết đặc sắc của pho tượng:

- Chiếc vương miện được chạm khắc tỷ mỷ với nhiều lớp khác nhau: Vành ôm sát đầu chạm vân xoắn. Vành thứ hai chạm các cụm sen nổi cao. Vành trên cùng chạm thủng hình hoa sen và vân lửa rất đặc trưng cho điêu khắc thế kỷ XVII. Phía trước trán, đỉnh của vành mũ được chạm hình vòng cung, trong có tượng Adida ngồi tọa thiền. Đây là biểu tượng thường thấy trên các pho tượng Quan Âm và là dấu hiệu đặc trưng cho việc bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là người qui y Phật pháp. Bên trong vành mũ chạm lối vấn tóc cao trên đỉnh đầu và một tấm che tóc cũng chạm rất cầu kì tương tự như các tượng Quan Âm TK XVII. Từ dưới mũ là hai dải mũ được chạm vắt mềm mại ra phía trước vai.

- Trang phục của pho tượng so với hầu hết các tác phẩm điêu khắc tượng hậu TK XVII, là loại trang triều phục cầu kì nhất với 3 lớp áo trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên này được đánh giá là một trong những tấm áo được chạm đẹp nhất với mô típ lưỡng long triều phụng trước ngực (đôi rồng chầu phượng). Áo phía dưới có 3 lớp đính ngọc châu tỷ mỷ. Cổ bà đeo chuỗi hạt rủ mềm xuống lòng đùi.

- Điểm nhấn đặc sắc nhất của pho tượng chính là gương mặt của bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn. Pho tượng này được đánh giá là tác phẩm đẹp nhất, đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ XVII [Lê Cường, 1,tr66] .

* Hiện trạng: Nguyên vẹn với màu sắc và nước sơn nguyên bản từ TK XVII. Một số chỗ bị nứt và bong sơn không đáng kể

Niên đại: Thế kỷ XVII

Nguồn gốc: Sưu tầm tại chùa Mật Sơn (Đại Bi tự), Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa.

Ghi chú: Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660) là hoàng hậu của vua Lê Thần Tông là con gái của chúa Trịnh Tráng. Bà quy y với Thiền sư Minh Hành tại chùa Bút Tháp được ban pháp danh là Pháp Tánh/ Diệu Viêm, biệt hiệu là bà chúa Kim Cương (Cang). Bà là người biên soạn cuốn từ điển Hán - Nôm Chí Nam Ngọc Âm giải nghĩa - bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này được diễn giải bằng văn vần, thể lục bát, dài 3000 câu, chia làm 40 chương về thiên văn, địa lý, nhân luận … đến nhạc cụ điển lễ.

Vai trò của bà Trịnh Thị Ngọc Trúc trong lịch sử được các sách sử viết như: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, An Nam Chí Lược, Việt Nam Sử Lược, Kim Tỏa Thực Lục… Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được nhiều nơi tạc tượng thờ nhưng pho tượng ở chùa Mật là pho tượng đặc sắc nhất.

* Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị như:

- Giá trị lịch sử: tác phẩm là điêu khắc nguyên gốc có niên đại thế kỷ XVII và là pho tượng chân dung chân thực hiếm có về một nhân vật lừng lẫy về nhân đức và học thức uyên thâm trong lịch sử phong kiến Việt Nam – bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.

- Giá trị thẩm mỹ: Hiện vật này là đại diện xuất sắc cho phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung hậu Phật Việt Nam. Kỹ thuật chạm khắc, kỹ thuật sơn thếp của pho tượng này dường như qua nhiều thế kỷ vẫn lưu giữ được vẻ đẹp tươi mới. Đây là tâm điểm đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật.

- Giá trị văn hóa: với sự sự mô tả cặn kẽ, tỷ mỷ, chân thực cổn miện đại triều, pho tượng này góp phần không nhỏ cho việc nghiên cứu phục sức của Hoàng hậu Việt Nam vào thời Lê Trung Hưng (TKXVII). 

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website