Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Tượng Phật

* Tên khác: Tượng ADiĐà

* Nơi lưu giữ hiện vật: Chùa Ngô Xá (tên chữ là “Phi Lai tự”), thôn Ngô Xá,  xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

* Chất liệu: Đá khối màu xám xanh (đá cát)

* Kích thước: Tổng thể bệ và tượng cao: 200 cm. Thân tượng cao: 92 cm, hai đầu gối khuỳnh rộng: 72 cm, bệ sen có đường kính: 76 cm.

* Trọng lượng:

* Số lượng: 01

* Miêu tả: Tượng Phật có chiều cao tổng thể 200cm, làm bằng chất liệu đá xám xanh thô ráp hay còn gọi là đá cát, gồm hai phần: Tượng và bệ tượng.

Tượng có khuôn mặt và dáng hình nam giới, ngồi trong tư thế thiền định, hai đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước. Tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có một khối u nổi (nhục khấu), tai giống người thực, to nhưng không chảy . Mặt tượng hình trái xoan, mắt nhìn xuống, sống mũi thẳng, nhân trung lớn có hai vòng tròn ở hai bên, miệng mím nhẹ, cổ cao ba ngấn. Đầu và thân tượng ghép với nhau bằng mộng (có thể tháo rời). Mình tượng dỏng thon thả, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó xát người, xếp thành nhiều nếp. Thân tượng liền khối với cổ bệ. Cổ bệ hình tròn dẹt, 2 mặt trên dưới phẳng, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Toàn bộ thân tượng được sơn son thếp vàng.

Bệ tượng gồm 2 phần: Phần thứ nhất là đài sen dùng để đặt tượng. Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Lớp cánh trên to mập, cứ một cánh to xen một cánh nhỏ. Lớp dưới cánh dài nhỏ, bố trí so le với lớp trên. Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế. Phần thứ 2 là chân bệ,  mặt hình bát giác, khối hình chóp cụt, gồm 2  bộ phận ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to xen một mặt nhỏ, mặt đứng chạm đôi rồng đuổi nhau, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế bằng,  thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước.

* Hiện trạng: Thân tượng còn nguyên vẹn, sơn son thếp vàng. Phần đế nứt, sứt mẻ một số chỗ. Đài sen một số cánh phục dựng.

* Niên đại: Đầu thế kỷ XII (trong khoảng từ năm 1108 đến năm 1117)

* Nguồn gốc, xuất xứ: Theo văn bia “Tái tạo Sơn Trương tự bi ký” (bia xây chùa Sơn Trương và mở mang cảnh chùa), tạc năm Cảnh Trị 8 (1670) tại chùa Ngô Xá có đoạn ghi: “Đến khi quân Ngô sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng ngoan ác phá hủy các tượng Phật bằng đá, chỉ còn tượng thần trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi...”. Như vậy, tượng Adiđà vốn được đặt tại tầng thứ 2 tháp “Vạn Phong Thành Thiện” hay còn gọi là tháp Chương Sơn trên núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, sau này nhân dân địa phương mới đưa xuống thờ trong chùa Ngô Xá (dưới chân núi Ngô Xá), xã Yên Lợi, huyện Ý Yên.

* Ghi chú: Công trình Bảo tháp Chương Sơn bị giặc Minh phá huỷ đầu thế kỷ XV. Năm 1966 – 1967, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Nam Hà khai quật phế tích toà tháp này và phát hiện rất nhiều vật liệu kiến trúc bằng đá và đất nung dùng để xây tháp. Căn cứ vào tư liệu và lịch sử xây dựng chùa Ngô Xá, thì có thể vào thời Hậu Lê, Pho Tượng này đã được nhân dân chuyển từ đỉnh núi Ngô Xá xuống thờ trong chùa như hiện nay.

* Lý do lựa chọn:

- Đây là pho tượng nguyên gốc, độc bản, kích thước lớn, làm hoàn toàn bằng chất liệu đá, đặt tại Bảo tháp “Vạn Phong Thành Thiện” (tháp Chương Sơn) được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng và ngự khi khánh thành vào đầu thế kỷ XII.  Tuy tương đồng về phong cách nghệ thuật, niên đại với tượng chùa Phật tích, nhưng tượng chùa Ngô Xá có những đặc điểm khác biệt về kích thước, niên đại, đặc điểm tạo hình. Có thể nói, cùng với tượng phật chùa Phật tích (Bắc Ninh), tượng Phật Adiđà tại chùa Ngô Xá (Nam Định) là 2 pho tượng phật bằng đá còn lại của Việt Nam thời Lý.

- Pho tượng không chỉ còn tương đối nguyên vẹn, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, là một bộ phận quan trọng của Bảo tháp Chương Sơn, mà thông qua sự phong phú về đề tài trang trí hoa văn, kỹ thuật chạm khắc tinh tế giúp chúng ta có cơ sở để nghiên cứu, tìm hiểu, về nền nghệ thuật, mỹ thuật thời Lý nói riêng và đối chiếu, so sánh nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ của các triều đại trước và sau đó nói chung. Đồng thời qua chất liệu dùng làm tượng, tượng cũng cung cấp thêm những thông tin về nguồn gốc vật liệu được lấy từ nơi khác vì Nam Định không có chất liệu đá này.

- Thông qua đặc điểm tạo hình, hoa văn trang trí, niên đại không chỉ giúp chúng ta hiểu được đặc trưng văn hoá của thời Lý thế kỷ XI - XIII, mà còn thấy được vai trò quan trọng của phật giáo trong xã hội đương thời.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website