Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Tượng Phật Nhơn Thành

Chất liệu: gỗ

Kích thước: cao 56cm, vai rộng 9cm, ngang đầu 5,5cm, đường kính bệ 16cm.

Trọng lượng: 1.500gram

Niên đại: Thế kỷ IV - VI

Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng thành phố Cần Thơ.

Tượng Phật được tạc từ một khối gỗ màu nâu đen, đỉnh đầu có dấu vết usnisa, tóc tạo tác nhiều xoắn ốc (kiểu bụt ốc); mặt tượng hình trái xoan, tay đã bị nứt vỡ song vẫn giữ được nét thanh tú; chóp mũi cao, cằm tròn; cổ thuôn cao và hơi to, không cân đối với đầu và mặt; tay trái gãy mất đến vai, tay phải còn lại đến khuỷu với tư thế co lại và nâng lên ngang hông. Nét đặc biệt, tượng có dáng đứng lệch hông mạnh về bên phải (tribhanga), chân phải trụ, chân trái khuỵu xuống, lộ rõ đầu gối, hai chân dang rộng bằng hông, nhìn thấy rõ bàn chân; đứng trên tòa sen hai tầng với các cánh hoa tả thực; lưng khoác cà sa dài đến tận cổ chân. Trên mặt lưng của tượng, đôi chỗ còn dính vết vàng dát mỏng.

Giá trị tiêu biểu: Tượng Phật là một đại diện, phản ánh diện mạo đời sống văn hóa xã hội của cư dân Óc Eo trong thời kỳ đạt đến sự phát triển phồn thịnh về vật chất, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Phật giáo. Đồng thời, với kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao, thể hiện rõ nét trên hiện vật đã cho thấy trình độ tiếp thu các luồng nghệ thuật mới và sự thăng hoa trong nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân Óc Eo trong khoảng thế kỷ IV - VI. Có thể nói, với các đặc điểm phong cách nghệ thuật, kỹ thuật chế tác… hiện vật đã góp thêm tư liệu về mối quan hệ trao đổi văn hóa diễn ra rất mạnh trong thời kỳ văn hóa Óc Eo nói chung và ở Nhơn Thành nói riêng. Đó không chỉ là sự tiếp nhận một chiều mà còn là sự dung hợp, tích hợp và tương tác hai chiều giữa hai thành tố văn hóa ngoại nhập, đặc biệt là mối quan hệ trao đổi, ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ và bản địa để tạo nên đặc trưng riêng có của nền văn hóa này trong lịch sử./.

Thúy Hà/theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website