Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay

* Tên khác: Tượng Quan âm thiên Thủ thiên nhãn

* Tên đơn vị: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

* Số đăng ký: ĐK/a2 - 36

* Chất liệu: Gỗ phủ sơn    

* Kích thước: Cao 315cm                                                                                                                             

* Trọng Lượng: Nặng khoảng 3 tấn

* Số Lượng: 01

* Miêu tả: Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ có kết cấu chia làm 3 phần: phần tượng Quan Âm 42 tay ngự trên đài sen / quỉ đội đài sen cùng các chi tiết phụ trợ như: Kim đồng, Ngọc nữ, đầu rồng ở giữa / phần bệ lục giác được chạm khắc tinh sảo với các mô típ điển hình như: chim thần garuda, rồng mây, rồng chạm dạng kỷ hà, cá hóa rồng… Các chi tiết đặc sắc của pho tượng:

- Phần tượng Quan Âm được tạc trong thế ngồi thiền, khuôn mặt từ bi, mang đậm nét chân dung người Việt. Tượng có 42 tay gồm: một đôi chắp trước ngực thế Liên hoa hợp chưởng ấn, một đôi đặt trong lòng kết ấn Thiền định, các đôi tay khác tỏa đều sang hai bên với các thế ấn khác nhau và các bảo pháp của Phật giáo.

- Bệ sen có 3 lớp cánh sen múp tròn, mang những trang trí rất đặc trưng cho nghệ thuật thế kỷ XVI đó là những đường chỉ xoắn dạng tay mướp ở đầu cánh sen.

- Chi tiết tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ tọa trên 2 đài sen nhỏ được tạo hình rất tinh tế mọc lên từ bệ lục giác, kề sát hai bên bệ sen là chi tiết rất riêng biệt độc đáo của pho tượng Quan Âm này so với các tác phẩm cùng thể loại.

- Bệ lục giác dưới cùng được chạm khắc với những biểu tượng về vũ trụ quan: Mặt của bệ tượng trưng cho mặt biển, chính giữa bệ đầu quỉ Ô Ba Na Đà nhô lên dang hai tay đỡ bệ sen gắn liền với truyền thuyết Quan Âm Nam Hải. Thân bệ được tạo hình thắt ở phần giữa với 6 con chim thần Garuda ngự ở 6 góc bệ. Hình tượng chim Garuda này mang dấu ấn của nghệ thuật Phật giáo giai đoạn sớm có tính kế thừa lối chạm khắc bệ tượng hoa sen thời Trần (TK XIII-XIV). Ngoài ra trên các cạnh lục giác còn chạm rất nhiều các biểu tượng đặc sắc khác như: hình lá đề chạm rồng, rồng mây, rồng chạm dạng kỷ hà, cá hóa rồng, hoa sen, hoa cúc…

Hiện trạng: Vỡ, nứt, mất một số họa tiết không đáng kể

Niên đại: Thế kỷ XVI

* Nguồn gốc: Sưu tầm tại chùa Hội Hạ, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

* Ghi chú: Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ được nghiên cứu, nhắc đến ở hầu hết các công trình nghiên cứu về Phật giáo và điêu khắc Phật giáo.

* Lý do lựa chọn: Đây là hiện vật nguyên gốc và độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo Việt Nam với đầy đủ các giá trị như:

- Giá trị lịch sử: tác phẩm là điêu khắc nguyên gốc có niên đại sớm của thế kỷ XVI và là một trong những pho tượng lớn nhất thuộc thể loại này

- Giá trị thẩm mỹ: phong cách tạo hình độc đáo với các biểu tượng được chạm khắc trên bệ tượng như rồng hình kỷ hà, rồng mây, chim thần garuda, lân vờn cầu, cá hóa long…

- Ý nghĩa tâm linh sâu sắc: tác phẩm đã truyền tải các truyền thuyết Phật giáo như “Quan Âm Nam Hải”, “Nàng công chúa Ba” bằng nghệ thuật tạo hình thể hiện ra một cách sinh động quan niệm của người Việt về vũ trụ quan Phật giáo. Pho tượng này cũng là pho tượng cầm nhiều bảo pháp nhất so với hầu hết các pho tượng Quan Âm cùng thể loại.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website