Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Tượng Thần Brahma Giồng Xoài

Chất liệu: Sa thạch

Kích thước: cao 45cm, rộng 20cm, dầy 20cm

Trọng lượng: 7.250 gram

Niên đại: Thế kỷ VI - VII

Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh An Giang.

Tượng thần Brahma chỉ còn lại một phần trên của ngực lên đỉnh đầu (bị vỡ từ vai trái xuống ngang ngực phải). Tượng được tạc bằng đá sa thạch hạt mịn, bề mặt ngoài có lớp patin màu xám trắng dầy do bị phong hóa. Tượng Brahma dạng tượng tròn, có bốn mặt (một mặt bị mòn nhiều, nét mặt mờ nhạt), tóc búi cao, hướng thẳng lên, có hai đoạn thắt nút chia búi tóc thành ba tầng, các tầng tóc thể hiện thành những đường nổi dọc song song, hai bên có các lọn nhỏ hình chữ U buông xuống rất mềm mại. Bốn mặt của Brahma hình trái xoan đầy đặn, cung mày khá rõ nét, cong và nổi nhẹ, mắt hình thoi có vành viền quanh mắt, mũi thanh tú với sống mũi thẳng, miệng khép nhẹ, môi dầy, hai bên vành môi có hàng ria cong. Lỗ tai ở vị trí bốn góc, giữa các khuôn mặt có đặc điểm giống nhau song vẫn tạo sự hài hòa cho mỗi khuôn mặt, với vành tai là hai cung tròn móc nhau trên - dưới, phần thùy tai (thùy châu) mọng, dài có lỗ căng rộng (căng tai).

Giá trị tiêu biểu: Tượng thần Brahma là một trong số những tư liệu khảo cổ học rất quan trọng tại di tích Giồng Xoài, phản ánh một phần diện mạo của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử tồn tại và phát triển của khu di tích này cũng như của văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Tượng là sản phẩm của quá trình trao đổi giữa văn hóa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng, nó không chỉ phản ánh lịch sử ảnh hưởng rất rõ nét của văn hóa - tôn giáo Ấn Độ ở vùng đất Nam Bộ, mà còn thể hiện sự tương tác, kết hợp hài hòa với những nét văn hóa bản địa. Tượng thần Brahma Giồng Xoài là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn rất rõ của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn - Âu.

Tượng thần Brahma Giồng Xoài là một tư liệu khoa học, hiện vật quan trọng mà các ngành khoa học có thể tiếp cận, nghiên cứu dưới nhiều góc độ, như: khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, quan hệ ngoại giao, tôn giáo… của vùng đất Nam Bộ với khu vực và rộng hơn trong thời kỳ văn hóa Óc Eo./.

Thúy Hà /theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website