Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Tượng Thần Shiva chùa Linh Sơn (Tượng Phật Lồi)

Chất liệu: Sa thạch Kích thước: Cao: 80cm; Rộng: 49cm; Dày: 21cm Trọng lượng: 500kg Niên đại: Thế kỷ XV Đơn vị lưu giữ hiện vật: Chùa Linh Sơn (Phật Lồi), xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tượng được tạc trên khối đá sa thạch, manghình dáng một người đàn ông ngồi trầm tư trong tư thế nhìn về phía trước; hai chân vắt chéo theo kiểu kiết già; tay trái tựa lên bắp đùi và để ngửa lòng bàn tay; tay phải cầm chuỗi tràng hạtđưa lên ngang tầm ngực, đầu kia của chuỗi tràng hạt buông xuống lòng bàn tay trái bên dưới. Khuôn mặc bầu, dài, với bộ râu che kín cổ; cặp mắt hơi xếch, mắt nhắm lim dim; đôi lông mày dài giao nhau ở sống mũi; cánh mũi bè; miệng rộng vừa phải; cặp môi dày, môi trên gần như bị che lấp bởibộ ria mép khá lớn; đôi tai dài, có vành kép, dái tai đeo vòng khuyên tai hình tròn; giữa trán khắc ba vạch ngang nổi song song, đầu đội chiếc mũ hình trụ cao hai tầng, tầng trên để trơn, khắc bốn vạch ngang ở giữa, phần dưới ở chính giữa mũ khắc hình một chữ Phạn lớn.

Tượng Thần Shiva chùa Linh Sơn

 Ảnh: Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Giá trị tiêu biểu:Thông qua tượng và đặc biệt là nội dung bia ký cho ta hiểu biết thêm về lịch sử đất nước Champa, với nền nghệ thuật điêu khắc tôn giáo chịu ảnh hưởng từ văn hoá Ấn Độ. Và, nếu như nghệ thuật điêu khắc Champa Bình Định trong năm thế kỷ từ thế kỷ XI – XV được chia làm ba giai đoạn, thì tác phẩm này đại diện cho giai đoạn thứ ba, thuộc phong cách lớn cuối cùng của nghệ thuật điêu khắc Champa, phong cách Yang Mun điển hình (từ 1307 đến 1471).Có lẽ, do lịch sử chi phối, những tác phẩm điêu khắc giai đoạn này thường xuất hiện ở vùng Nam Champa nhiều hơn, góp phần làm nên phong cách riêng tiếp nối phong cách nghệ thuật tháp Mẫm. Tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn là tượng duy nhất hiện biết ở Bình Định, tượng được thể hiện gắn với văn bia sau lưng, là một loại hình hiếm thấy trong điêu khắc Champa. Đối với di sản văn hóa Champa, minh văn có giá trị về văn bản học cực kỳ quan trọng. Việc nghiên cứu giải mã minh văn trên pho tượng này giúp các nhà nghiên cứu minh văn học làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, tôn giáo của vương quốc Champa giai đoạn định đô ở Viyaja từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV./.

Thúy Hà (Theo Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website