Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Tượng Uma Dương Lệ

Chất liệu: Sa thạch. Kích thước: Cao toàn thân 0,60m; đầu cao 0,32m; vai rộng 0,29m; vòng eo 0,37m; vòng ngực 0,51m; chân xếp bàng rộng 0,48m. Trọng lượng: 125 kg. Niên đại: Thế kỷ IX - X. Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.

Là một pho tượng tròn, tạc ở tư thế nữ thần đang ngồi trên bệ đài. Hai chân đặt chéo lên nhau, phần tay đã bị mất nhưng dựa vào tư thế và hai dấu vết ở phần đùi, chúng ta có thể khẳng định, hai tay của pho tượng được đặt trên hai đùi trong thế thiền định. Đầu đội mũ kiểu chóp trơn, đơn giản, không kiểu cách, chỉ có ba đường viền làm cho mũ đỡ "trơ" chứ không nặng về mục đích trang trí - một đặc điểm ít gặp trên những tượng Chăm thường thấy. Nét mặt đầy đặn, cân đối, dịu dàng. Trán khá rộng, đôi tai dài được chạm tỉ mỉ, lộ rõ những đường vành, dái tai to. Ðầu ngẩng cao, mặt hướng thẳng về trước. Ðôi mắt đăm chiêu như đang nghĩ ngợi điều gì đó xa xăm. Môi trên mỏng, môi dưới dày vừa phải, khóe miệng hở, tạo ra cảm giác như đang cười tươi. Toàn bộ khuôn mặt toát lên vẻ thanh tú, nhẹ nhàng, duyên dáng.

Tượng Uma Dương Lệ

 Ảnh: Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Giá trị tiêu biểu: Sự tồn tại của tượng Uma ở khu đền tháp Dương Lệ thuộc phong cách nghệ thuật Trà Kiệu đã minh chứng sự phát triển của vùng Bắc Chămpa, trong đó Quảng Trị nằm trong vùng Amaravati (cùng với Quảng Bình, Thừa Thiên và Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay). Cùng với sự tồn tại của hàng loạt tháp Chăm trên vùng đất Quảng Trị ,trong đó có khu đền tháp Dương Lệ đã khẳng định rằng, Quảng Trị dưới thời Chăm xưa đã từng là trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo của một tiểu quốc (Mandala). Đặc biệt, từ hình tượng nữ thần Uma Chămpa được người dân địa phương sau đó lập miếu tôn thờ với tên gọi là Miếu Bà Giàng cho thấy được nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân vùng đồng bằng Quảng Trị nói riêng và người dân miền Trung trên phần đất Đàng Trong xưa cũ nói chung. Đó là kết quả của một quá trình tiếp biến văn hóa, thể hiện sự dung hòa giữa hai yếu tố Chăm - Việt. Từ Uma - mẹ thần xứ sở trong hệ tín ngưỡng người Chăm đã chuyển qua một hình tượng mới - mẫu đất trong hệ tín ngưỡng dân gian của người Việt với một tên gọi mang ngữ âm Hán - Việt: Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi hoặc gọi theo cách dân gian là Bà Chúa Ngọc hay Bà Giàng - Giàng phu nhân./.

Thúy Hà (Theo Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website