Ngày 18 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Xe tăng T59 số hiệu 390

Chất liệu: Kim loại.
Kích thước: dài: 646 cm; rộng: 327 cm; cao:240 cm.
Niên đại: 1975.
Loại hiện vật: Lịch sử chiến tranh cách mạng.

Miêu tả tóm tắt: Là loại xe tăng do Trung Quốc sản xuất, viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xe có màu sơn xanh lá cây, tháp pháo sơn số 390 màu trắng, phía trước tháp pháo có phù hiệu sao 5 cánh màu vàng trong vòng tròn màu đỏ.

Giá trị tiêu biểu: Hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt, liên quan đến chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Xe tăng T59 số hiệu 390 là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, mở đường cho quân ta vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông ta.

Quá trình hoạt động của xe tăng 390: Từ năm 1971, xe thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 171, Lữ đoàn xe tăng 203; năm 1972, được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2; năm 1973 hành quân vào Thừa Thiên Huế, chiến đấu giải phóng Tà Lương, A Lưới. Từ ngày 23/5/1975, xe tăng 390 tham gia giải phóng Huế. Ngày 29/3, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng và chốt giữ tại bán đảo Sơn Trà, sau đó hành quân về Khánh Sơn theo đội hình Lữ đoàn. Tại đây, xe tăng 390 và các xe trong Đại đội 4 được điều về Tiểu đoàn 1 - Lữ đoàn 203 và cùng đơn vị hành quân đến Rừng Lỏ (gần Xuân Lộc) tiến công vào Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 29/4/1975, xe tăng 390 tham gia tiến công căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4/1975, xe tăng 390 là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Năm 1979 xe tăng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Cămpuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1980 đóng quân tại địa bàn Lạng Giang. Tháng 10 năm 1999 được điều về Bảo tàng Tăng thiết giáp. Xe tăng T59 số hiệu 390 đã đóng vai trò quan trọng trong thời khắc lịch sử quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện vật này có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân Việt Nam,  là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Tăng thiết giáp.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Liên kết website