Ngày 4 tháng 7 năm 2024
Liên kết website

Bình đồng Đông Sơn (An Biên), Hải Phòng

Bình đồng Đông Sơn (An Biên), hiện lưu giữ tại hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đồng

- Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ II - I trước sau Công nguyên

- Giá trị:

Có thể nói, Bình đồng Đông Sơn (An Biên) là một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu ca nghệ thuật đúc đồng và trang trí trên đồng của Văn hóa Đông Sơn. Hình dáng cân đối, hài hòa, thanh thoát, thể hiện thẩm mỹ về tạo hình của người Đông Sơn trước những vật phẩm được đầu tư công sức và kỹ thuật. Truyền thống đó đạt tới đỉnh cao ở giai đoạn Đông Sơn điển hình của người Việt cổ. Hoa văn trang trí trên bình, nhất là ở phần chân đế được bố cục rõ ràng, khúc triết qua kỹ thuật đúc rỗng siêu đẳng, khiến cho các đường nét không bị đứt đoạn, tạo cảm giác thoáng đạt, không bức bối với người chiêm ngắm và thưởng ngoạn. Thủ pháp tạo hai băng hoa văn đúc thủng theo bố cục tròn, tưởng như các con vật đang chuyển động, chứ không tĩnh, tạo nên sự sinh động trong mỗi hoạt cảnh và trong tổng thể các băng hoa văn.

Đặc trưng Văn hóa Đông Sơn thể hiện trên chiếc bình đồng Đông Sơn (An Biên) và hai chiếc bình Phú Xuyên và Thanh Hoá, đó chính là đôi quai kép và đơn, kiểu quai hình chữ “U” lộn ngược, không khác gì quai của thạp đồng Đông Sơn, có niên đại thế kỷ II - I Trước Công nguyên. Thạp đồng cùng với trống đồng, dường như là hai loại hình mang giá trị đặc trưng và là biểu tượng của Văn hoá Đông Sơn. Đặc trưng Đông Sơn của những chiếc bình này còn biểu hiện ở hoa văn trang trí, đó là hoa văn hình học (chữ “S” biến thể, tam giác nhọn) và hoa văn động vật (hươu, bò). Với hoa văn hươu và bò trên chân đế của bình đồng An Biên, một đề tài phổ biến mang tính thời đại, mang tính phù điêu theo kỹ thuật đúc thủng, lần đầu tiên được biết, phản ánh tài năng sáng tạo của nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn. Lối diễn đạt “tĩnh” của bò và hươu trên băng hoa văn chân đế bình An Biên đã được “chuyển động” qua tư thế đầu ngoảnh lại và chân bước đi, cùng với nghệ thuật bố cục theo hình tròn của khí vật và ngược chiều với chuyển động kim đồng hồ, đã tạo nên môt phong cách nghệ thuật “động” trong “tĩnh”, mà nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn đã thể hiện khá thành công trên trống đồng, thạp đồng. Tuy nhiên, ở băng hoa văn trên đế bình đồng An Biên, sự chuyển động sinh động và ấn tượng còn bởi kỹ thuật đúc thủng, tạo không gian ba chiều, khiến người chiêm ngưỡng bị thuyết phục, hơn cả một bức tranh của hội hoạ hiện đại.

Sự giao thoa và tiếp biến văn hoá trên bình đồng Đông Sơn (An Biên) ở chi tiết dây xích giữ nắp bình, ở những đường gờ đúc nổi trên thân bình, ở chân đế quá cao so với tỉ lệ toàn thân bình. Đó là những yếu tố không quá phổ biến trong các loại hình đồ đồng Đông Sơn, nhưng cũng đã từng thấy ở Nam Trung Quốc - một khu vực địa lý nhân văn thuộc Đông Nam Á thời cổ, bao gồm các tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây - Vân Nam - Quý Châu. Đông Sơn ở Bắc Việt Nam, Quảng Đông - Quảng Tây và Vân Nam - Quý Châu ở Nam Trung Quốc, vào thời cổ, là ba trung tâm đúc đồng nổi tiếng, là ba đỉnh chói sáng của Văn hoá đồ đồng thời cổ đại, của cộng đồng Bách Việt. Ba trung tâm này trong quá khứ tồn tại và phát triển, có sự ảnh hưởng qua lại nhau, là một tất yếu của lịch sử, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của mỗi nền văn minh, mà chiếc bình đồng An Biên, cùng với đồng loại của nó, hẳn là một dấu ấn thuyết phục của sự giao thoa, tiếp biến văn hoá./.

                                                                         Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website