Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Súng thần công

* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

* Số đăng ký: BTHT1656/200 và BTHT1656/201(1)

* Chất liệu: Đồng

* Kích thướcDài 243cm, đường kính nòng 23cm, đường kính đáy 45cm

* Trọng lượng: Trên bề mặt trục súng có nạm bạc bảy chữ Hán thể chân thư ghi trọng lượng: 重二千零八十斤 , phiên âm: trọng nhị thiên linh bát thập cân, dịch nghĩa: Nặng 2080 cân theo hệ đo lường cổ Việt Nam, bằng 1.257.360 gram.

* Số lượng: 03 hiện vật 

* Miêu tả: Tháng 8 năm 2003, trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển gần đảo Mắt, cách cửa Hội 35 km về phía đông, ngư dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện và trục vớt được ba khẩu súng thần công nằm trong một con tàu cổ bị đắm. Hiện các khẩu súng này đang được chuyển về Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh bảo quản.

Qua nghiên cứu có thể thấy những điểm chung của ba hiện vật này. Đó là, các khẩu thần công này được một  hiệp thợ đúc cùng một năm, mang cùng tên, có cùng kích thước, cùng hình dáng, cùng hoa văn trang trí, chỉ có bài minh văn chữ Hán ghi ở mỗi thân súng khác nhau. Mô tả từ phần đốc súng tới miệng súng cho thấy ba khẩu thần công màu nâu xám, hình trụ tròn, thon nhỏ dần về phía miệng súng. Phần đốc súng gồm có khóa nòng, cổ và núm súng. Phần khóa nòng được tạo đường gờ hình tròn đồng tâm. Giữa súng có trục súng và đáy vành có tác dụng cố định súng trên giá đỡ, bên trên có quai súng được tạo hình đầu rồng. Súng có hai vòng đai tăng cường, xung quanh có các hoa văn trang trí. Nòng súng có đường kính 12cm. Đáy nòng là nơi đặt đạn tỳ vào tấm chèn có độ hở nòng. Tiếp đó là khoang để thuốc súng có lỗ thông hơi ra bên ngoài. Ở họng súng, mép miệng có các đường gân nổi.

Đây là ba khẩu thần công có đồ án trang trí hoa văn dày đặc với các đề tài truyền thống như cúc dây, rồng triều mặt nguyệt, đầu rồng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm trong đó đề tài cúc dây được trang trí nhiều nhất, tập trung ở trên tất cả các bề mặt súng từ đầu súng, thân súng đến đuôi súng. Các hoa cúc dây được lồng vào nhau đối xứng bao quanh súng. Rồng triều mặt nguyệt bao quanh bài minh văn chữ Hán. Rồng ở đây bốn móng sắc nhọn, đuôi xoắn cong dữ tợn theo phong cách thời Nguyễn. Phía trên bài minh văn trang trí hình lá đề. Trên hình lá đề có trang trí cúc dây và chấm tròn.

Trước khi được trục vớt dưới biển lên, hoa văn và chữ Hán trên ba khẩu thần công này đều được nạm bạc cầu kỳ, tinh tế. Nhưng, sau khi được trục vớt lên, hai khẩu thần công bị người dân bóc hết phần nạm bạc có trên súng, còn khẩu còn lại được vẫn còn một số hoa văn ở phần đầu và thân và phần chữ Hán còn nạm bạc.

Mô tả từng hiện vật theo trình tự ký hiệu đăng ký của Bảo tàng cho thấy:

- Khẩu thần công thứ hai mệnh danh là 保國安民大將軍三位之二, phiên âm: Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhị, dịch là: Vị thứ hai trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân. Cũng giống như khẩu thứ nhất và khẩu thứ ba, khẩu súng này có bề mặt bị rổ nhiều chỗ. Trên thân súng có bài minh văn chữ Hán bị mờ, không thể đọc được. Trên một số hoa văn trang trí ở thân súng còn giữ nguyên được phần nạm bạc. Từ năm 2006 đến năm 2010, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nạm bạc lại phần hoa văn bị bóc bạc theo đúng quy trình kỹ thuật, mang lại giá trị vốn có lúc ban đầu của hiện vật.

- Khẩu thần công thứ nhất mệnh danh là 保國安民大將軍三位之一 , phiên âm: Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhất, dịch là: Vị thứ nhất trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân. Do bị ngâm nước biển lâu năm nên bề mặt thân súng bị rổ nhiều chỗ đường kính 1,50cm. Tất cả các hoa văn và chữ Hán đều bị bóc hết bạc. Các dòng chữ Hán ghi trên súng được thể hiện dưới dạng chân thư, sắc nét nên có thể đọc được để hiểu nội dung của nó.

Khẩu súng này có bài minh văn nói lên mục đích của việc đúc súng là chúc mừng vua Minh Mệnh lên ngôi hoàng đế, sau đó là xua tan đi những điều không tốt lành. Nội dung bài minh như sau:

Tạm dịch

Minh Mệnh năm đầu tiên

Gom đồng được vạn cân

Sai đúc khẩu thần công

Để đời sau biết rằng

Chúc mừng vua lên ngôi

Xua tan những điều xấu

Truyền lại cho con cháu

Để đất trời bình yên.

Khẩu thần công thứ ba mệnh danh là 保國安民大將軍三位之三   , phiên âm: Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi tam, dịch là: Vị thứ ba trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân. Cũng giống như khẩu thứ nhất, khẩu súng này có bề mặt bị rổ và phần nạm bạc ở thân súng bị bóc hết. Trên thân súng có bài minh văn nội dung như sau:

Tạm dịch nghĩa

Minh Mệnh năm đầu tiên

Gom đồng được vạn cân

Sai đúc khẩu thần công

Để đời sau biết rằng

Ngăn ngừa sự khinh lờn

Lấy chính nghĩa thắng tà

Văn võ đều dụng được

Chúc mừng vua muôn năm.

* Hiện trạng: Khẩu thần công “Bảo quốc An dân Đại Tướng quân tam vị chi nhị” (保國安民大將軍三位之二) đã được sửa chữa, hai khẩu “Bảo quốc, An dân Đại Tướng quân tam vị chi nhất” (保國安民大將軍三位之一) và “Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi tam” (保國安民大將軍三位之三) đã phong hóa.

* Niên đại: Phía sau bề mặt đuôi súng ba vị thần công đều ghi một dòng chữ Hán: 明  命  二 年 歲 次 辛 巳 吉月日 鑄,phiên âm:Minh Mệnh nhị niên tuế thứ Tân Tị cát nguyệt nhật chú, nghĩa là đúc vào ngày lành tháng tốt năm Minh Mệnh thứ Hai (Tân Tị 1821).

* Nguồn gốc, xuất xứ: Sưu tầm dưới hình thức chuyển nhượng tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

* Ghi chú: phía dưới thân ba khẩu thần công đều ghi dòng chữ Hán tên người nhận lệnh vua đúc súng. Dòng chữ Hán đó được phiên âm là: Vụ Khố thần Trần Đăng Long phụng chú, tạm dịch: Thần ở Vụ Khố Trần Đăng Long vâng mệnh đúc.

* Lý do lựa chọn:

- Ba khẩu thần công là hiện vật độc bản mang cùng tên, cùng chất liệu, đúc cùng một năm, cùng một triều vua nhà Nguyễn, cùng kích thước hình dáng, trọng lượng, được phát hiện, sưu tầm cùng một năm. Đây là những khẩu thần công bằng đồng hiếm có, có giá trị nổi bật, tiêu biểu quốc gia vào loại bậc nhất, đúc dưới triều đại nhà Nguyễn và các triều đại phong kiến Việt Nam được lưu truyền cho đến ngày nay trong các bảo tàng ở nước ta hiện nay.

- Hiện vật có hình thức độc đáo: Là những khẩu thần công có kích thước vào loại lớn nhưng lại có nhiều đồ án hoa văn trang trí bằng phương pháp đúc nổi công phu, tinh tế. Các đồ án hoa văn trang trí trên súng trước đây đều được nạm bạc cầu kỳ, đặc biệt ở phần đầu súng, thân súng và đuôi súng. Đó là những đề tài cúc dây, lá đề, rồng chầu mặt nguyệt, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm. Đặc biệt nhiều chữ Hán trên thân súng ghi tên, niên đại, người đúc, kích thước, trọng lượng; múc đích, ý nghĩa của việc đúc súng.

- Minh Mệnh là vị vua thứ hai của nhà Nguyễn có nhiều cải cách sâu rộng về hành chính, bộ máy nhà nước; chú trọng đến phát triển quân đội. Suốt 20 năm trị vì từ 1820 đến 1840, vị vua này đã đưa đất nước phát triển về mọi mặt. Sau một năm lên ngôi hoàng đế (1821), vua Minh Mệnh cho đúc ba khẩu thần công này với mục đích chúc mừng vua lên ngôi, lấy đó để ngăn ngừa sự khinh lờn, xua tan đi những điều xấu và quan trọng hơn cả là giữ bình yên cho đất nước. Theo các tài liệu Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, trong thời gian trị vì của mình, vua Minh Mệnh cho đúc 269 khẩu thần công bằng đồng trong đó có ba khẩu “Bảo quốc An d ân Đại tướng quân” hiện ở Bảo tàng Hà Tĩnh. Ngoài ra, ba khẩu thần công còn là báu vật được tôn sùng như thần linh truyền nối các đời sau thờ cúng. Chúng là biểu tượng uy quyền của nhà vua, sức mạnh của một đất nước đang phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Điều này không chỉ thể hiện ở tên súng “Bảo quốc An dân Đại tướng quân”,  kích thước, trọng lượng to lớn mà còn thể hiện ở hoa văn trang trí của súng đạt trình độ thẩm mỹ, văn hóa, khoa học cao.

Hiện vật cũng cho thấy trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật luyện kim màu, kỹ thuật đúc súng có trọng lượng, kích thước lớn của nước ta vào những thập niên đầu của thế kỷ XIX.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website