Ngày 14 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Tượng Phật Sơn Thọ - Trà Vinh

Chất liệu: Sa thạch. - Kích thước: Cao: 59,0cm; rộng: 25,0cm; dày: 24,0cm. - Trọng lượng: 80.000gr. - Niên đại: Thế kỷ VI - VII. - Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Tượng được tạc bằng đá sa thạch, trong tư thế ngồi trên bệ hình thang nhiều tầng, hai chân buông thõng. Đôi bàn chân đặt song song trên bệ trơn hình bán khuyên. Trên bề mặt bệ, có một thảm mỏng chạm khắc hoa văn phủ xuống phía trước. Tượng có khuôn mặt tròn đầy, các lọn tóc xoắn ốc to. Unisa được tạo liền khối với đầu thành một u lớn trên đỉnh đầu; phần trán nở rộng, gờ mày mảnh, cong nhẹ. Đôi mắt khép hờ,sống mũi cao. Đôi môi có viền, với môi dưới chia thành hai thùy mọng, thể hiện một nụ cười thánh thiện. Đôi tai cong, dày, dái tai dài. Trang phục ước lệ trên tượng thể hiện rõ hình thể bên trong với phần ngực nổi rõ. Áo choàng hở vai phải được thể hiện qua đường gờ chéo trước ngực vòng ra sau lưng. Tà áo buông thành các nếp cân đối trên mặt trước của bệ.

Tượng Phật Sơn Thọ - Trà Vinh. Ảnh: Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Gái trị tiêu biểu:Tượng Phật Sơn Thọ - Trà Vinh là tư liệu lịch sử rất quý góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, lịch sử Việt Nam thời cổ đại. Tượng còn góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo giai đoạn Óc Eo và hậu Óc Eo; đồng thời, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế giữa Việt Nam, Đông Nam Á và Ấn Độ. Đây là tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, với chất liệu đá sa thạch được tạo tác tỷ mỷ, trau chuốt, đậm chất hiện thực, thể hiện kỹ thuật tạc tượng Phật thời kỳ Phật giáo Đại thừa đạt trình độ cao.Tuy nhiên, về mặt phong cách lại có sự khác biệt, phá cách. Bức tượng còn góp phần làm sáng tỏ đời sống văn hóa tinh thần của cư dân văn hóa Óc Eo với sự tiếp nhận ảnh hưởng của Phật giáo, đồng thời, thể hiện được sự sáng tạo trong đời sống văn hóa tinh thần cư dân văn hóa Óc Eo. Trình độ kỹ thuật tạo tác trau chuốt, sinh động phần nào chứng minh được sự phát triển về đời sống vật chất ở nơi đây. Sự hòa trộn của nhiều phong cách lẫn kỹ thuật tạo hình từ nhiều trường phái ở những khu vực xa (Ấn Độ, Môn) và gần (Champa) thể hiện sự tiếp thu các xu hướng nghệ thuật du nhập liên tục của các nghệ nhân bản địa, cho thấy được sự “phóng khoáng” trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới tích cực của cư dân bản địa - một đặc điểm của những cư dân trên vùng đất thương mại phát triển./.

Thúy Hà (Theo Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website